[ad_1]
(TCT on-line) – Ngày 7/12, PwC Việt Nam đã cho ra mắt báo cáo với tên gọi: “Thời khắc của Châu Á Thái Bình Dương: Chuyển mình cùng thực tế mới”, trong đó đưa ra năm yếu tố thành công được liên kết và củng cố lẫn nhau giúp các DN xây dựng lại niềm tin, tạo ra giá trị và mang lại kết quả bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Báo cáo nhấn mạnh những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị leo thang, lạm phát tràn lan, sự suy yếu của chuỗi cung ứng và những thách thức mới về lực lượng lao động cùng sự gia tăng áp lực cho việc thực hành các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Điều này đã tạo ra trạng thái mất cân bằng ở châu Á Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi hành vi của người tiêu dùng và DN cũng làm thay đổi quỹ đạo hoạt động của nền kinh tế và xã hội.
Từ thực tiễn nêu trên, các chuyên gia của PwC đã đưa ra nhận định về tác động của 5 xu hướng lên nền kinh tế Việt Nam cũng như các khuyến nghị nhằm thúc đẩy tăng trưởng, năng lực cạnh tranh và khả năng phục hồi trong giai đoạn khó khăn này, đó là:
Chuỗi cung ứng. Theo PwC, sự gián đoạn đã thúc đẩy các DN đánh giá lại chiến lược nguồn cung của họ. Các nhà lãnh đạo ở châu Á Thái Bình Dương phải chuyển trọng tâm từ chi phí và tính hiệu quả sang khả năng phục hồi và niềm tin trong quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng trong khu vực.
Tăng trưởng DN trong khu vực. Có rất nhiều cơ hội để tạo ra giá trị ở châu Á Thái Bình Dương, tune để mở rộng quy mô trong khu vực, các nhà giao dịch thương vụ phải áp dụng cách tiếp cận chiến lược “dựa trên năng lực” kết hợp các quy trình, công cụ, công nghệ, kỹ năng và mục đích với nhau.
Kinh tế số. Số hóa đang trở nên ngày càng quan trọng để chuyển mình với thực tế mới, do đó các DN phải nắm bắt quá trình số hóa để trau dồi hiểu biết sâu sắc, giảm thiểu rủi ro về an ninh mạng và quyền dữ liệu riêng tư, đồng thời thích ứng với thời cuộc.
Lực lượng lao động. Người lao động ở châu Á Thái Bình Dương coi trọng ý nghĩa và tính chân thực. 90% lực lượng lao động thích mô hình làm việc từ xa hoặc kết hợp. Để xây dựng niềm tin và đáp ứng với những thay đổi đa dạng của lực lượng lao động, các nhà lãnh đạo cần phải định hình lại về việc nâng cao kỹ năng, nắm bắt sự linh hoạt và thực hiện công việc đi đôi với mục đích.
Môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Theo PwC, ESG không chỉ đơn thuần là lựa chọn “nên có” cho các DN, bởi theo báo cáo của PwC về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 cho thấy, 80% DN đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong 2-4 năm tới. Vì thế, PwC cho rằng “ý định tốt” về ESG là chưa đủ, các DN cần phải chú trọng đến việc xây dựng giá trị bằng cách đẩy nhanh tiến độ của các ưu tiên ESG để tạo sự khác biệt trên thị trường vốn và nhân tài.
Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, thế giới đang phải đối mặt với những biến động ở mức độ chưa từng có. Do đó, các DN Việt Nam phải nắm bắt những thách thức và cơ hội của ESG, cũng như cách thức làm việc linh hoạt mới. Chìa khóa để thúc đẩy các chương trình nghị sự này là cách tiếp cận đổi mới với hợp tác toàn khu vực, dựa trên việc xây dựng lòng tin và mang lại kết quả bền vững. Công việc đó cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Bà Đinh Thị Quỳnh Vân tin rằng, 5 yếu tố trên sẽ tạo sự khác biệt và thúc đẩy khả năng cạnh tranh, từ đó giúp DN và Chính phủ phát triển thịnh vượng.
Minh Đức
[ad_2]