[ad_1]
Rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh. Do đó, từ năm 2008, Chính phủ đã thống nhất việc quản lý đối với hoạt động kinh doanh rượu thông qua việc cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh.
Đến nay, tổ chức hệ thống sản xuất, kinh doanh rượu đi vào hoạt động nề nếp, bước đầu bảo đảm yêu cầu nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đồng thời bảo đảm nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có đâu đó xảy ra các tình trạng mất an toàn trong sản xuất và kinh doanh, sử dụng rượu.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, mặt hàng rượu nói riêng và an toàn thực phẩm nói chung là lĩnh vực mà được Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng Cục Quản lý thị trường đặc biệt quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, người dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lê cho biết, hiện nay, việc xử lý đối với những hành vi vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh rượu đang còn có một số bất cập, mặc dù đã có những văn bản pháp luật quy chặt chẽ và các hình phạt cũng đã đủ sức răn đe. Điển hình như, đối với hoạt động sản xuất rượu thủ công, việc xử phạt rất khó thực hiện. Bởi vì, rất khó chứng minh người ta có hoạt động nấu rượu thủ công để kinh doanh hay không.
Ông Nguyễn Đức Lê cho biết, để làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với hành vi sản xuất, kinh doanh rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc rượu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra, các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường phối hợp kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, tập trung kiểm soát việc sản xuất rượu thủ công nhằm kịp thời phát hiện các hành vi sử dụng cồn công nghiệp methanol để pha chế rượu, các hành vi sản xuất, buôn bán rượu giả, rượu kém chất lượng để tập trung đấu tranh và xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt vi phạm quy định về an toàn thực phẩm gây ra các vụ ngộ độc rượu.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương cho hay, Bộ Y tế-đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm đã tham mưu cho ban chỉ đạo liên ngành trung ương xây dựng Kế hoạch về Công tác kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội xuân Quý Mão năm 2023. Năm nay, ban, ngành trung ương có thành lập 6 đoàn công tác giao cho 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ có thêm các biện pháp tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu cũng như đưa ra những cảnh báo nguy cơ và hậu quả của việc sử dụng rượu tự pha chế không rõ nguồn gốc.
Tin, ảnh: VŨ DUNG
[ad_2]